Phát hành “Sách Trắng CNTT&TT Việt Nam 2017”
Sách Trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông là tài liệu quan trọng, đem đến cái nhìn tổng quát và chi tiết về tình hình Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại buổi phát hành Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017. Ảnh: Trọng Đạt
Ngày 19/9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã phát hành Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam năm 2017.
Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam là tài liệu phát hành thường niên của Bộ TT&TT từ năm 2009 nhằm cung cấp các thông tin, số liệu chính thức về ngành CNTT-TT.
Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2017 tập trung vào việc cung cấp số liệu thống kê chủ chốt về tình hình hoạt động của ngành trong hai năm 2015 và 2016. Trong đó bao gồm 12 nội dung như: ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, an toàn thông tin, viễn thông, Internet, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, bưu chính,…
So với các năm trước, Sách Trắng năm nay bổ sung một số chỉ tiêu phù hợp với thông lệ quốc tế tế, đáp ứng nhu cầu thông tin để quản lý và thúc đẩy phúc triển CNTT-TT Việt Nam. Các chỉ tiêu này bao gồm dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, chỉ số đo lường khán giả truyền hình, thông tin số liệu về tình hình phát triển lĩnh vực dịch vụ CNTT,…
Nhằm phục vụ cho việc tham khảo và sử dụng được thuận tiện, gọn nhẹ, Sách Trắng 2017 được in thành hai phiên bản. Phiên bản tiếng Việt được in và phát hành trước. Phiên bản tiếng Anh sẽ được hoàn thiện, in ấn và phát hành sau. Đồng thời, Bộ sẽ công bố tài liệu này dưới dạng điện tử trên cổng thông tin của Bộ để người dân có thể tham khảo rộng rãi.
Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 sẽ được phát hành đến các Bộ, ngành, địa phương, một số hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài hoạt động liên quan đến ngành CNTT-TT, các đại sứ quán có quan hệ hợp tác về CNTT-TT với Việt Nam.
Thông tin và Truyền thông, Bộ TTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Thông tin và Truyền thông hay CNTT được coi là hạ tầng của hạ tầng kinh tế xã hội”. Ảnh: Trọng Đạt
Phát biểu tại buổi phát hành Sách Trắng CNTT-TT 2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chia sẻ: “Tại Việt Nam, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông cũng như CNTT được coi là hạ tầng của hạ tầng kinh tế xã hội. Đây là động lực để phát triển đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.”
“Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin để phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển thị trường, thu hút đầu tư hội nhập kinh tế thế giới trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Từ năm 2009 Bộ TT&TT đã tổ chức xây dựng Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam.
Đây là ấn phẩm quan trọng, nhằm cung cấp các số liệu thống kê cơ bản trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, phản ánh hiện trạng phát triển CNTT-TT của đất nước. Các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế có thể nhìn vào đây để thấy được hiện trạng CNTT-TT của Việt Nam, qua đó quyết định đầu tư hay không đầu tư, và đầu tư thì ở mức độ nào.”
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngành CNTT-TT Việt Nam đang có tiềm năng phát triển to lớn thông qua việc khai thác làm chủ các công nghệ mới. Bao gồm các công nghệ như Internet vạn vật, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, hội tụ Viễn thông CNTT, phát thanh truyền hình,…
“Trong bối cảnh này, việc thu thập và tổng hợp phân tích số liệu thống kê về tình hình phát triển của ngành CNTT-TT càng cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, cần rà soát lại quy trình thủ tục cung cấp số liệu, đảm bảo độ chính xác của nguồn dữ liệu để xây dựng Sách Trắng”, Bộ trưởng nhận định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu nâng cao tính thống nhất, tính phù hợp của các tiêu chí trong Sách Trắng với các hệ thống, chỉ tiêu của quốc gia cũng như quốc tế. Điều này sẽ giúp Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam trở thành nguồn thông tin chính xác, tin cậy, không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn phục vụ cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực CNTT-TT.
Nguồn: vietnamnet.vn