VNNIC xây dựng và triển khai Cổng tiếp nhận phản ánh lạm dụng tên miền (DNS Abuse Report Portal). Đây là nơi người dùng Internet báo cáo các tên miền bị lạm dụng, dùng vào mục đích lừa đảo, có hại hoặc bất hợp pháp khác.
Qua đó các cơ quan quản lý có nguồn thông tin và các biện pháp thích hợp để xử lý, làm sạch môi trường mạng.
Người sử dụng truy cập Website tại địa chỉ: https://baocaolamdungdns.vnnic.vn/ hoặc https://dnsabuse.vnnic.vn để báo cáo các tên miền bị lạm dụng, đồng thời tìm hiểu thêm thông tin hướng dẫn về các loại hình lạm dụng tên miền.
Phishing: Phishing hay lừa đảo xảy ra khi kẻ tấn công thực hiện các hành vi lừa đảo nạn nhân tiết lộ thông tin cá nhân, công ty hoặc thông tin tài chính nhạy cảm (ví dụ: số tài khoản, ID đăng nhập, mật khẩu), thông qua việc gửi email lừa đảo hoặc email có tên gần giống để đánh lừa người dùng cuối truy cập đến các trang web giả mạo (có giao diện giống với giao diện trang web chính thức). Một số chiến dịch lừa đảo nhằm mục đích thuyết phục người dùng cài đặt phần mềm, thực chất là phần mềm độc hại.
Malware hay mã độc là các phần mềm được cài đặt trên thiết bị mà không có sự đồng ý của người dùng, làm gián đoạn hoạt động của thiết bị, thu thập thông tin nhạy cảm hoặc giành quyền truy cập vào hệ thống, máy tính cá nhân. Mã độc bao gồm vi-rút, phần mềm gián điệp, mã độc tống tiền và phần mềm không xác định khác.
Botnet là tập hợp các máy tính kết nối Internet đã bị nhiễm phần mềm độc hại và được lệnh thực hiện các hoạt động dưới sự kiểm soát của tin tặc bằng hình thức kiểm soát từ xa.
Spam là các email chứa các loại quảng cáo được gửi tới một danh sách cá nhân và nhóm người dùng, các dạng thư này thường không có ý nghĩa, không có chất lượng thông tin, không được sự đồng ý trước và gây phiền phức cho người dùng. Mặc dù riêng Spam không phải là lạm dụng tên miền, nhưng nó là “công cụ” được sử dụng để phân phối, phát tán cho các dạng lạm dụng tên miền khác
Thiệt hại cho người dùng cá nhân: Khi thông tin cá nhân bị lộ, người dùng có thể trở thành nạn nhân của gian lận, sự lạm dụng tài khoản và thậm chí là trộm danh tính, giả mạo, rao bán các thông tin tên diễn đàn tin tặc..
Thiệt hại cho tổ chức: Tổ chức có thể mất uy tín và tiền bạc nếu tên miền của họ bị lạm dụng để tạo ra các trang web giả mạo. Họ cũng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu của khách hàng bị đánh cắp do sự lạm dụng DNS.
Tổn thất về an ninh mạng: Khi các kẻ tấn công sử dụng phương pháp Phishing để lừa đảo người dùng, điều này có thể dẫn đến việc lây lan mã độc, phần mềm độc hại trên mạng và các vấn đề an toàn an ninh khác.
Thay đổi thông tin cấu hình DNS: Malware có thể thay đổi cài đặt DNS trên máy tính của người dùng mà nó xâm nhập. Điều này có thể dẫn đến việc máy tính kết nối đến máy chủ DNS giả mạo có chứa mã độc do kẻ tấn công kiểm soát, để tin tặc có thể theo dõi hoặc kiểm soát lưu lượng mạng của người dùng.
Chuyển hướng trang Web: Malware có thể thay đổi DNS của máy tính để chuyển hướng người dùng đến các trang web giả mạo hoặc độc hại. Điều này có thể gây ra các vấn đề như lừa đảo thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng,… và cài đặt phần mềm độc hại khác.
Tấn công man-in-the-middle (MITM): Malware có thể được sử dụng để thực hiện cuộc tấn công MITM, nơi kẻ tấn công theo dõi và thậm chí can thiệp vào giao tiếp giữa máy tính của người dùng và máy chủ mục tiêu. Điều này có thể dẫn đến việc đánh cắp thông tin cá nhân, như tên đăng nhập và mật khẩu.
Phát tán mã độc và botnets: Malware thường được sử dụng để phát tán mã độc và tạo ra các botnet (mạng bot). Các botnet này có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công phân tán, tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) và các hoạt động xấu khác trên mạng, gây ra các vấn đề về hiệu suất và bảo mật.
Xâm nhập hệ thống và chiếm quyền kiểm soát: Malware có thể được sử dụng để xâm nhập vào hệ thống mạng và máy tính của người dùng. Khi được lây nhiễm, nó có thể chiếm quyền kiểm soát và tiếp tục hoạt động trong âm thầm, gây ra sự rò rỉ, đánh cắp thông tin, dữ liệu quan trọng.
Tấn công phân tán từ chối dịch vụ (DDoS): Botnet thường được sử dụng để tham gia vào các cuộc tấn công DDoS, trong đó nhiều máy tính trong Botnet cùng tấn công một mục tiêu duy nhất bằng cách gửi lưu lượng mạng lớn đến máy chủ mục tiêu. Điều này có thể gây quá tải hệ thống DNS và làm cho nó trở nên không thể sử dụng, gây ra sự cản trở lớn đối với dịch vụ Internet.
Phát tán Spam và Phishing: Botnet có thể được sử dụng để phát tán hàng loạt email spam và email lừa đảo (Phishing). DNS có thể được sử dụng để chuyển hướng các liên kết trong các email độc hại đến các trang web giả mạo hoặc trang web chứa mã độc.
Phát tán mã độc Malware: Botnets có thể được sử dụng để phát tán Malware thông qua DNS. Một Botnet có thể sử dụng DNS để tải về các tệp độc hại từ máy chủ từ xa và sau đó lây lan Malware sang các máy tính khác trong mạng.
Lừa đảo và phát tán mã độc (Malware): Một số Spam có thể chứa các email lừa đảo (Phishing), yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân quan trọng như tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu. Hay có thể chứa các liên kết đến các trang web chứa Malware hoặc nội dung độc hại gây nhiễm và lây lan trên hệ thống.
Tạo nhiễu và quá tải hệ thống: Spam có thể tạo ra một lượng lớn email và các yêu cầu phân giải DNS không mong muốn, gây quá tải cho hệ thống email và DNS của tổ chức hoặc nhà cung cấp dịch vụ.
Tốn thời gian, tài nguyên và chi phí: Thư rác gây tốn thời gian, mất tập trung và gây khó chịu cho người dùng. Ảnh hưởng đến tài nguyên, hiệu năng hoạt động của hệ thống thư điện tử. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp còn mất nhiều chi phí trong việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thư rác.