Giả mạo thương hiệu lớn để lừa tiền người tiêu dùng
Hàng loạt những thương hiệu lớn như Nguyễn Kim, Thế giới Di động, Cửa cuốn Á Châu… đã bị kẻ xấu mạo danh bằng những website giả mạo. Mục đích của việc làm này là để lừa đảo người tiêu dùng.
Cục Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng đã chính thức lên tiếng để cảnh báo hiện tượng này.
Loan tin trúng thưởng để lừa đảo
Gần đây, Thế giới di động và Điện máy Xanh liên tục nhận được thông tin từ khách hàng về việc nhận được các cuộc điện thoại từ những số máy lạ thông báo trúng thưởng từ một chương trình tri ân khách hàng.
Một khách hàng tên Công cho biết: “Mới đây có số điện thoại xxxx179795 nói là nhân viên tên Phát, mã số 105, có gọi đến số máy của tôi nói tôi mua hàng ở Điện máy xanh được chọn là 1 trong 10 số điện thoại may mắn trúng thưởng trong chương trình tri ân khách hàng của hệ thống, được tăng 1 cặp đồng hồ mạ vàng gì đó, 1 đồng hồ điện thoại của Samsung và một phiếu mua hàng của hệ thống Điện máy xanh trị giá 7 triệu đồng. Nhận quà tại bưu điện và thanh toán số tiền 1.580.000đ tiền thuế nhận thưởng và ship”.
Cảm thấy nghi ngờ, khách hàng này đã hỏi lại hệ thống dịch vụ Điện máy Xanh thì nhận được câu trả lời là hiện Công ty không có chương trình nào như vậy.
Một khách hàng khác, là Võ T tại TPHCM chia sẻ: “Có số điện thoại xxxx529000 nói mình trúng một điện thoại Samsung S8 và 1 phiếu mua hàng trị giá 3 triệu đồng sử dụng trong ba tháng và bộ dưỡng da mặt, dưỡng ẩm toàn thân ban đêm. Còn nói là khách hàng tri ân cũ quay số trúng giải, còn đọc CMND của mình và số điện thoại, địa chỉ, bao nhiêu tuổi… Kêu mình ra bưu điện Viettel nhận đồ, còn cho mình mã nhận hàng và kêu trả 15% tiền nhận hàng”.
Tương tự như khách hàng trên, khi kiểm tra lại thì là thông tin giả mạo.
Hầu hết những khách hàng này đều được đưa vào đúng một kịch bản: Có số điện thoại gọi lạ (không phải là số tổng đài, hoặc điện thoại chính thức được công ty công bố) đến thông báo trúng thưởng, sau đó khách phải nộp một khoản gọi là phí hoặc thuế vài trăm nghìn hoặc cả triệu đồng. Những trường hợp trên đều được công ty khuyến cáo cẩn thận bị lừa đảo. Tuy nhiên không thể đếm hết những nạn nhân từng là mồi ngon cho bọn lừa đảo.
Lập lờ với những thương hiệu lớn để lừa khách
Ngày 28.8.2018, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương đã phải phát đi thông tin khẳng định: “Hiện có rất nhiều website, đơn vị đang lợi dụng việc sử dụng thông tin gây nhầm lẫn về thương hiệu uy tín để lừa đảo người dùng”.
Theo cục này, thời gian qua đơn vị này tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc có đơn vị giả mạo thương hiệu của các siêu thị điện máy nổi tiếng để thu tiền sửa chữa, bảo hành thiết bị với giá cao.
Cụ thể, như tại website: trungtamdientunguyenkim.com có sử dụng logo của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, khi liên hệ qua điện thoại, người tiêu dùng được khẳng định đây là trung tâm bảo hành và sửa chữa của Nguyễn Kim. Do tin tưởng đây là đơn vị bảo hành, sửa chữa của các thương hiệu uy tín nên người tiêu dùng đã mang các thiết bị tới để sửa chữa. Kết quả, giá sửa chữa thường rất cao và sau khi sử dụng được một thời gian thiết bị lại bị hỏng, không được bảo hành.
Khi liên hệ lại với các đơn vị này, người tiêu dùng lại tiếp tục bị báo giá sửa chữa cao cho chính lỗi đã sửa. Chỉ đến khi người tiêu dùng liên hệ tới một số đơn vị sửa chữa khác để kiểm tra thì mới phát hiện nguyên nhân bị hỏng hoàn toàn khác và chi phí sửa chữa cũng thấp hơn nhiều.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sau đó xác minh cho thấy đó không phải là trang web của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim.
Bên cạnh việc giả mạo siêu thị Nguyễn Kim, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết hiện có rất nhiều địa chỉ website, đơn vị khác đang lợi dụng việc sử dụng thông tin gây nhầm lẫn về thương hiệu, uy tín để lừa đảo người tiêu dùng trong các giao dịch.
Tương tự, một thương hiệu khá lớn khác là thương hiệu Á Châu Door cũng đau đầu bởi hàng loạt những website “nhái” để bán hàng giả, hàng nhái và cung cấp dịch vụ kém chất lượng. Ví dụ, website chính thức của cửa cuốn Á Châu là: cuacuonachau.com thì một doanh nghiệp khác cũng lấy một tên miền tương tự là cuacuonachau.vn để kinh doanh.
Á Châu Door cho rằng đó là web giả mạo để tạo nhầm lẫn và đánh lừa khách hàng. Tuy nhiên, dù có tranh chấp thì hai website này vẫn đang cùng tồn tại.
Để tránh gây thiệt hại cho khách hàng, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo: Khi có nhu cầu sửa chữa, bảo hành thiết bị, nên tham khảo thông tin từ các nguồn tin cậy, có kiểm chứng, ví dụ, thông tin về đơn vị bảo hành, sửa chữa trên phiếu bảo hành do nhà sản xuất cung cấp; gọi điện thoại tới các Trung tâm chăm sóc khách hàng của các thương hiệu lớn để được tư vấn; gọi điện thoại trực tiếp tới siêu thị để được tư vấn…
Khi thực hiện bảo hành, sửa chữa nên yêu cầu doanh nghiệp lập phiếu tiếp nhận bảo hành, sửa chữa, trong đó, mô tả chính xác, đầy đủ tình trạng máy tại thời điểm tiếp nhận.
Ngoài ra, để ngăn chặn các thiệt hại, rủi ro cho người tiêu dùng khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo, chào mời mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, Cục cạnh tranh lưu ý người tiêu dùng nên thận trọng với hình thức mời mua hàng, thông báo thông tin qua điện thoại, tin nhắn, đặc biệt là từ số điện thoại di động với thông tin doanh nghiệp mập mờ, không chính xác.
Trong mọi tình huống, người tiêu dùng cần kiểm tra lại thông tin do đối tượng cung cấp để đảm bảo tính chính xác, đặc biệt lưu ý không thực hiện theo các hướng dẫn kiểm tra của đối tượng (ví dụ, đối tượng hướng dẫn người tiêu dùng gọi điện tới số điện thoại khác để kiểm tra…). Trường hợp nhân viên bưu điện yêu cầu trả tiền trước khi nhận hàng thì nên từ chối và hủy thực hiện giao dịch.
* Tháng 5.2018, hai ngân hàng lớn tại Việt Nam là Vietcombank và BIDV phải lên tiếng khuyến cáo người dân trước nạn giả mạo giao diện website giao dịch của ngân hàng này để nhằm chiếm đoạt thông tin cũng như tài sản của người dân. Thủ đoạn chủ yếu là đưa ra những đường link mà khi truy cập đường link này, người dùng sẽ tiếp cận giao diện có hình thức rất giống với giao diện đăng nhập, lợi dụng sự sơ hở của khách hàng để đánh cắp thông tin cá nhân, tên truy cập và mật khẩu dịch vụ để từ đó chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của khách hàng.
* Tháng 7.2018, Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Hải Phòng vừa phát hiện và làm rõ vụ việc giả mạo trang thông tin điện tử của Viễn thông Hải Phòng và Trung tâm truyền hình Cáp Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng. Cụ thể là các đối tượng đã đăng ký mua tên miền và tạo lập trang website vtvcabhaiphong.net và vnpthaiphong.info gần giống với tên miền của Trung tâm truyền hình cáp Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng (www.vtvcab.vn) và Viễn thông Hải Phòng (www.vnpthaiphong.vn).
Các đối tượng khai nhận là lập các website trên với mục đích là để khách hàng khi truy cập mạng internet với từ khóa “vtvcabhaiphong” và “vnpthaiphong” mua dịch vụ lắp đặt truyền hình, internet, chữ ký số… sẽ nhầm tưởng đây là trang thông tin điện tử chính thức của 2 doanh nghiệp trên. Các đối tượng vi phạm đã bị xử lý hành chính theo quy định.
* Tháng 5.2018, hai ngân hàng lớn tại Việt Nam làc Vietcombank và BIDV phải lên tiếng khuyến cáo người dân trước nạn giả mạo giao diện website giao dịch của ngân hàng này để nhằm chiếm đoạt thông tin cũng như tài sản của người dân. Thủ đoạn chủ yếu là đưa ra những đường link mà khi truy cập đường link này, người dùng sẽ tiếp cận giao diện có hình thức rất giống với giao diện đăng nhập, lợi dụng sự sơ hở của khách hàng để đánh cắp thông tin cá nhân, tên truy cập và mật khẩu dịch vụ để từ đó chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của khách hàng.
* Tháng 7.2018, Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Hải Phòng vừa phát hiện và làm rõ vụ việc giả mạo trang thông tin điện tử của Viễn thông Hải Phòng và Trung tâm truyền hình Cáp Việt Nam. Cụ thể là các đối tượng đã đăng ký mua tên miền và tạo lập trang website vtvcabhaiphong.net và vnpthaiphong.info gần giống với tên miền của Trung tâm truyền hình cáp Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng (www.vtvcab.vn) và Viễn thông Hải Phòng (www.vnpthaiphong.vn).
Các đối tượng khai nhận là lập các website trên với mục đích là để khách hàng khi truy cập mạng internet với từ khóa “vtvcabhaiphong” và “vnpthaiphong” mua dịch vụ lắp đặt truyền hình, internet, chữ ký số… sẽ nhầm tưởng đây là trang thông tin điện tử chính thức của 2 doanh nghiệp trên. Các đối tượng vi phạm đã bị xử lý hành chính theo quy định.
CHÍNH PHONG