Tuyến cáp quang biển APG lại gặp sự cố
Từ 21h30 ngày 15/4, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) gặp sự cố trên phân đoạn S1.7 cách khu vực Đông Nam Á khoảng 910 km
Thông tin trên vừa được một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam chia sẻ với ICTnews.
Cũng theo vị đại diện ISP này, trong lần gặp sự cố đầu tiên của năm 2022, trên phân đoạn S1.7, tuyến cáp quang biển quốc tế APG gặp lỗi đứt sợi. Hiện tại đơn vị quản lý tuyến cáp chưa thông tin đến các nhà mạng về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố.
Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. Có chiều dài khoảng 10.400 km, APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cáp biển APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Trước đó, trong năm 2021, tuyến cáp quang biển APG đã 4 lần gặp sự cố, gần nhất là tháng 12/2021. Cụ thể, lần lượt vào các ngày 5/12/2021 và 13/12/2021, cáp APG gặp sự cố trên 2 hướng cáp kết nối đi Nhật và Hong Kong (Trung Quốc).
Đến ngày 27/2/2022, sau gần 3 tháng gián đoạn dịch vụ do gặp sự cố trên 2 hướng cáp kết nối đi Nhật và Hong Kong (Trung Quốc), tuyến cáp biển APG mới được sửa chữa, khắc phục xong và khôi phục hoạt động bình thường.
Theo các chuyên gia, do lưu lượng truy cập Internet nước ngoài lớn hơn nhiều so với trong nước nên mỗi khi có sự cố cáp biển, chất lượng dịch vụ Internet sẽ bị ảnh hưởng.
Trong trao đổi với ICTnews hồi trung tuần tháng 2/2022, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhận định, lưu lượng truy cập Internet nước ngoài hiện lớn hơn nhiều so với trong nước. Vì thế, mỗi khi có sự cố các tuyến cáp biển quốc tế thì chất lượng dịch vụ Internet bị ảnh hưởng. Các nhà mạng, một mặt đã tìm cách đầu tư xây dựng các tuyến cáp mới, mặt khác cũng tìm cách tối ưu để lưu lượng Internet trong nước tăng lên như tăng cường các hệ thống Caching, CDN.
“Chúng ta đều muốn người dùng Internet Việt Nam sử dụng ứng dụng trong nước, tuy nhiên việc đó khả thi hay không còn phụ thuộc vào chất lượng và độ phổ biến các ứng dụng nội địa. Đây là một thách thức lớn và cần nhiều thời gian, nỗ lực chung thì mới cải thiện được. Gợi ý của chúng tôi là các doanh nghiệp, cá nhân nên sử dụng thêm ứng dụng nội địa, như một bổ sung và dự phòng cho ứng dụng quen thuộc do các công ty toàn cầu cung cấp”, đại diện VIA đề xuất.
Về giải pháp lâu dài, đại diện VIA cho rằng, Internet hiện giờ có thể coi là hạ tầng số quan trọng của quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Do đó, các nhà mạng lớn cần có chiến lược, kế hoạch mở rộng những tuyến cáp kết nối quốc tế để đón đầu, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dịch vụ Internet.
Hiệp hội Internet Việt Nam cũng nhận thấy các nỗ lực cổ vũ xây dựng các nền tảng, dịch vụ nội địa như mạng xã hội, các nền tảng quản lý doanh nghiệp, nền tảng và ứng dụng họp, học trực tuyến… Chắc chắn khi các nền tảng, ứng dụng của Việt Nam có chất lượng và độ phổ biến thì sự phụ thuộc vào các tuyến cáp biển ra nước ngoài sẽ bớt đi.
Mặt khác, theo phân tích của đại diện VIA, các nhà cung cấp nền tảng toàn cầu đang đưa hạ tầng, dữ liệu đến gần Việt Nam hơn, đặt các điểm truy cập tại Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu dung lượng quốc tế cũng như trong nước đều tăng mạnh trong thời gian tới, khi kinh tế phục hồi sau dịch.