VNNIC công bố kết quả đo tốc độ truy cập Internet của người dùng trong quý 1 năm 2020
Sau 3 tháng chính thức triển khai Hệ thống đo chất lượng truy cập Internet đặt tại các Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu công bố số liệu thống kê của gần 30.000 người dùng. Kết quả cho thấy chất lượng truy cập Internet Việt Nam của các mẫu do người dùng đo cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, một số thông số cao hơn số liệu công bố bởi các hệ thống quốc tế. Điều này phản ánh nỗ lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam trong việc đảm bảo chất lượng kết nối Internet phục vụ cho hoạt động kinh tế, xã hội khi nhu cầu sử dụng Internet tăng đột biến trong đại dịch COVID-19.
VNNIC Speedtest – Hệ thống đo độc lập, đảm bảo tính chính xác, khách quan về chất lượng truy cập Internet của người dùng tại Việt Nam
VNNIC Speedest là Hệ thống đo chất lượng truy cập Internet do VNNIC nghiên cứu xây dựng, đặt tại các điểm kết nối của Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX). Đây là điểm đo độc lập với mạng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam. Hệ thống được cung cấp tại địa chỉ https://speedtest.vnix.vn, người dùng (Internet user) có thể chủ động thực hiện đo chất lượng truy cập Internet của mình, so sánh với gói cước đang sử dụng và yêu cầu hỗ trợ từ các nhà mạng trong trường hợp cần thiết. Các nhà mạng cũng có thể chứng minh chất lượng truy cập Internet mà mình đã cung cấp tới khách hàng thông qua các số liệu đo thực tế, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, cũng như chủ động cải thiện chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người sử dụng.
Bức tranh chất lượng truy cập Internet từ kết quả đo của người sử dụng
Trong quý 1 năm 2020, Hệ thống VNNIC Speedtest thu được gần 30.000 mẫu đo của người dùng, xuất phát từ 69 mạng (xác định bởi các số hiệu mạng ASN độc lập), trong đó phần lớn kết nối thuộc các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT, FPT, Mobifone, CMC.
Số liệu tổng hợp cho thấy chất lượng truy cập Internet của các mẫu thu được đáp ứng tiêu chuẩn, một số thống kê cao hơn số liệu công bố bởi các hệ thống quốc tế trong quý 1 năm 2020. Cụ thể, tốc độ Download trung bình của người dùng các mạng cố định băng rộng đạt 61,69 Mbps, cao hơn 45% so với kết quả đo do hệ thống nước ngoài đã công bố. Đối với mạng di động, số liệu Download trung bình đạt 39,44 MBps cũng cao hơn 18,7%.
Kết nối băng rộng cố định
Trong 3 nhà mạng đứng đầu thị phần cung cấp dịch vụ FTTH, kêt quả các mẫu đo của người dùng ở mạng VNPT đứng đầu với tốc độ Download/Upload tốt nhất, tiếp theo là Viettel và FPT. Người dùng mạng CMC Telecom cũng có kết quả Download/Upload rất cao (84,27Mbps/74,43Mbps).
Kết quả đo kiểm trung bình chung cũng có xu hướng tăng trong tháng 2 và tháng 3. Điều này hoàn toàn phù hợp với cam kết đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng truy cập của các nhà mạng, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng Internet tăng đột biến tại Việt Nam trong thời gian cách ly xã hội do dịch Covid 19, kể cả khi nhiều người truy cập sử dụng Internet tại một hộ gia đình.
Tốc độ Download/Upload trung bình theo tuần của người dùng ở các mạng cố định băng rộng quý 1 năm 2020
Thống kê các tham số sâu hơn về chất lượng (Ping, Jitter – các tham số đặc biệt ảnh hưởng đến các dịch vụ đòi hỏi chất lượng cao như thoại, video) cho thấy kết nối Internet Việt Nam đáp ứng được mức tiêu chuẩn khuyến nghị. Một vài mẫu trong một số thời điểm có chỉ tiêu này chưa đạt yêu cầu, có thể ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng dịch vụ thoại, video streaming trên Internet, thể hiện ở hiện tượng méo tiếng, vỡ hình, đặc biệt khi nhiều thiết bị người dùng chia sẻ một kênh đồng thời.
Ping, Jitter trung bình theo tuần của người dùng ở các mạng cố định băng rộng quý 1 năm 2020
Kết nối Internet di động
Thống kê đối với mạng di động cho thấy các mẫu của người dùng ở mạng Viettel có tốc độ Download/Upload trung bình cao nhất (41,45Mbps/32,70Mbps) trong quý 1 năm 2020, tiếp đến là Vinaphone, Mobifone. Đánh giá chung, chất lượng truy cập Internet qua di động còn thấp hơn so với với dịch vụ cố định băng rộng (khoảng 1,5 lần).
Tốc độ Download/Upload trung bình theo tuần của người dùng ở các mạng di động quý 1 năm 2020
Đối với thống kê về Ping, Jitter trên Internet di động, thông số Ping đảm bảo trong phạm vi tiêu chuẩn trong khi Jitter trung bình trong quý 1 của các nhà mạng di động cao hơn mức tiêu chuẩn khuyến nghị. Vì vậy, trong thời gian tới, các nhà mạng cần xem xét điều chỉnh, đồng thời nghiên cứu nâng cao tốc độ truy cập và triển khai các gói cước phù hợp để đáp ứng nhu cầu sử dụng các ứng dụng Internet chất lượng cao.
Ping, Jitter trung bình theo tuần của người dùng ở các mạng di động quý 1 năm 2020
Kết quả thống kê chất lượng truy cập Internet của người dùng ở các mạng di động quý 1 năm 2020
Truy cập sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 ở mức cao
Hệ thống VNNIC Speedtest hỗ trợ đo kết quả truy cập mạng Internet IPv6, điều mà các hệ thống khác đang triển khai tại Việt Nam chưa hỗ trợ. Tổng số mẫu mà hệ thống thu được từ thiết bị đầu cuối sử dụng Internet IPv6 bằng 38% số mẫu IPv4. Tỉ lệ này hoàn toàn tương đồng với các số liệu thống kê từ các tổ chức quốc tế như Trung tâm thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương (~39%). Mặc dù tốc độ truy cập Internet IPv6 đo được thấp hơn so IPv4 khoảng 3%, nhưng các thông số đặc biệt ảnh hưởng đến các dịch vụ chất lượng cao như thoại, video, live stream thì kết nối IPv6 cho kết quả tốt hơn hẳn IPv4 (Ping là 35,27ms/40,22ms; Jitter là 36,68 ms/43,14ms). Đây cũng là lý do tại sao các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lớn trên thế giới (Facebook, Google, Amazon, Microsoft,…) chuyển đổi sang sử dụng IPv6 từ rất sớm.
Do đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nội dung trên Internet của Việt Nam cần sớm chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6, tối ưu hệ thống để phát huy các điểm ưu việt của IPv6, vừa đảm bảo yêu cầu chung về kế hoạch, lộ trình chuyển đổi mạng IPv6 quốc gia, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ trên Internet của mình.
Một số thống kê khác
Bên cạnh những thống kê về chất lượng truy cập Internet từ người dùng, hệ thống cũng ghi nhận một số thống kê khác như tỉ lệ thiết bị đầu cuối sử dụng PC/Smart Devices/Không xác định là 52%, 31% và 17%. Đối với hệ điều hành, Windows vẫn phổ biến nhất với hơn 56,32%; theo sau lần lượt là Android với khoảng 25,91%, iOS (iPhone/iPad) là 11,6%, OSx (Macbook) là 4,9%. Về trình duyệt, Chrome đứng đầu với 51,79%, Android Webkit Browser là 25,44%, Safari là 14,71%, Edge (Microsoft) chỉ chiếm 1.24%,…
Kết quả thống kê về hệ điều hành và loại trình duyệt của người dùng quý 1 năm 2020
Việc công bố và đánh giá chất lượng truy cập Internet từ kết quả đo của người dùng trên hệ thống VNNIC Speedtest bước đầu đã đem đến bức tranh thống kê đa chiều về Internet Việt Nam. Đây là nguồn dữ liệu tham khảo hữu hiệu, phục vụ người sử dụng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát, cải thiện chất lượng truy cập Internet, xây dựng báo cáo toàn cảnh về Internet Việt Nam.
Trong thời gian tới, VNNIC sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển và cải thiện hệ thống VNNIC Speedtest, công bố số liệu định kỳ để phục vụ tốt hơn cho cộng đồng Internet, hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo chất lượng và hoạt động mạng Internet Việt Nam an toàn, hiện đại. VNNIC cũng khuyến nghị các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp hạ tầng băng thông rộng đáp ứng nhu cầu cao hơn của người dùng, đảm bảo chất lượng các dịch vụ như Video Ultra HD (4K), đào tạo, khám chữa bệnh trực tuyến,… Đồng thời các tổ chức, doanh nghiệp cần tăng cường kết nối tới Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) để đảm bảo Internet được phát triển an toàn, ổn định, đặc biệt trong những thời điểm bùng nổ về nhu cầu sử dụng Internet.
Các thông số cung cấp bởi Hệ thống đo chất lượng truy cập Internet tại Việt Nam: – Tốc độ Download: đo băng thông tải xuống từ điểm kiểm tra tới thiết bị người dùng. Thông số này ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ của người dùng như tải dữ liệu, hay xem truyền hình. Ví dụ, trong trường hợp người dùng muốn xem truyền hình Ultra HD của Netflix, băng thông khuyến nghị là 25Mbps. – Tốc độ Upload: đo băng thông tải lên từ thiết bị người dùng tới điểm kiểm tra. Thông số này thường ảnh hưởng đến các dịch vụ streaming, upload chia sẻ của người dùng lên mạng. Ví dụ, băng thông streaming hình ảnh HD 720p với Facebook là 4Mbps hình ảnh và 128Kbps cho âm thanh, Youtube là 1,5Mbps-4Mbps hình ảnh và 128Kbps cho âm thanh. – Tiêu chuẩn Ping: là thời gian truyền trung bình của gói tin đi và về từ thiết bị người dùng tới điểm kiểm tra. Thông số này ảnh hưởng tới các ứng dụng sử dụng thoại và hình như Facebook Messenger, Skype, Viber, Zalo,… Tiêu chuẩn khuyến nghị độ trễ cho thoại qua Internet là dưới 150ms. – Tiêu chuẩn Jitter: đo độ trễ thời gian giữa hai gói tin truyền liên tiếp trong cùng một luồng. Thông số này có ảnh hưởng tới hoạt động trực tuyến về hình ảnh và âm thanh. Tiêu chuẩn Jitter trong thoại Internet ở mức chấp nhận được là 30ms. – Ping và Jitter là hai tham số rất quan trọng với các dịch vụ thoại và video trên Internet, nếu chất lượng không đảm bảo thì sẽ gây ra hiện tượng méo tiếng và vỡ hình. |
#Nguồn: VINNIC